Sản xuất panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp

Sản xuất panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp

Với đề tài “Sản xuất tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp”, nhóm sinh viên khoa Nhiệt lạnh trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã xuất sắc vượt qua hàng trăm ý tưởng dự thi để giành giải Bảo vệ môi trường Cuộc thi về phát triển bền vững “Holcim Prize 2013”.

Cuộc thi Holcim Prize đã khởi động từ năm 2009 trở thành “sân chơi” không thể thiếu của những sinh viên đam mê sáng tạo. Holcim Prize năm nay được khởi động từ tháng 10/2012 với gần 160 đề tài dự thi của 7 trường đại học, 42 đề tài được lọt vào vòng bán kết. Sau đó có 7 đề tài của 7 trường có tính khả thi cao vào vòng chung kết. 3 lĩnh vực trọng tâm của cuộc thi là bảo vệ môi trường, xây dựng bền vững và phát triển cộng đồng.

Đây là lần thứ 2 trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng giành giải thưởng trong cuộc thi khoa học này.

Nhóm 3 bạn trẻ gồm: Đoàn Nguyễn Vân Hiếu, Trương Thế Minh, Tạ Bảo Long (sinh viên năm cuối trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã nảy ra ý tưởng tìm kiếm một loại vật liệu cách nhiệt để sản xuất những tấm panel hoàn toàn từ thiên nhiên. Ý tưởng xuất phát từ thực tế cuộc sống, một số nơi người nông dân sử dụng các phế thải nông nghiệp để làm chất đốt nhưng không hiệu quả, hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng, thậm chí ở một số nơi không sử dụng, rất lãng phí. Mục tiêu đưa ra là sản xuất những tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp (xơ dừa, rơm rạ, bã mía…) để làm trần nhà chống nóng cho nhà xưởng và vách ngăn cho các công trình xây dựng có giá thành rẻ, góp phần bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Một tấm panel cách nhiệt thủ công được sản xuất theo quy trình: Chuẩn bị nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp; trộn nguyên liệu với nhau bằng chất keo kết dính, sau đó cho vào máy ép thành tấm và đem phơi khô.

Sản phẩm tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp có nhiều ưu điểm như: Chống cháy, chống mối mọt, tạo xốp không khí trong tấm cách nhiệt và giá thành không cao.

Máy ép thành sản phẩm tấm lợp chống nóng. 

PGS. TS Võ Chí Chính, Phó Trưởng Phòng khoa học, sau đại học và hợp tác quốc tế trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu, cho biết: Sau khi lắng nghe các em chia sẻ, nhận thấy niềm say mê khoa học của các em, tôi đã hướng dẫn các em thực hiện quy trình nghiên cứu. Thầy Chính đã giúp các bạn tìm kiếm chất keo tạo đồ bền cho sản phẩm, nghiên cứu sáng chế ra máy ép, cắt từng tấm panel để có thể dễ dàng ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Theo tính toán, với ưu điểm tận dụng nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp sẵn có, nên đơn giá của 1m2panel thành phẩm (dày 20 mm) có giá thành chỉ khoảng 175.000 VNĐ, rẻ gần 1/2 so với 1m2 trần thạch cao và trần nhôm.

Sản phẩm tấm panel cách nhiệt không chỉ hạn chế việc thải và đốt bừa bãi các phế phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường mà còn góp phần tạo công việc, cải thiện thu nhập của người nông dân khi được sản xuất rộng rãi.

Sản phẩm của nhóm đã được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao ở ý tưởng thân thiện môi trường và khả năng ứng dụng vào thực tế cao trong việc làm trần chống nóng cho các nhà xưởng, công trình.

Tuy nhiên, để đề tài “Sản xuất tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp” được ứng dụng sản xuất rộng rãi, nhóm đang rất cần sự đầu tư hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ – Cổng Thông tin điện tử Chính phủ