Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010 – 2015

Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010 – 2015

Tên đề tài: Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010 – 2015.

  • Thời gian thực hiện đề tài: 12 tháng, từ tháng 9/2010 đến 9/2011
  • Kinh phí thực hiện: 456.380.000 đồng (bằng chữ: Bốn trăm năm mươi sáu triệu ba trăm tám mươi ngàn đồng)
  • Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh
  • Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn
  • Kết quả nghiệm thu xếp loại: Khá
Mục tiêu đề tài
  • Tìm hiểu thực trạng công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và học sinh THPT tại tỉnh Bình Dương từ đó phân tích những hạn chế của công tác này.
  • Đề xuất thực nghiệm một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT tỉnh Bình Dương giai đoạn từ 2010 đến 2015.
Nội dung nghiên cứu khoa học
1. Hệ thống hoá các vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài: Hướng nghiệp, giáo dục hướng nghiệp, công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT.
2. Tìm hiểu thực trạng công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và THPT Tỉnh Bình Dương (thông qua điều tra, khảo sát bằng bảng hỏi ở các trường THCS và THPT trên đại bàn tỉnh).
3. Thực nghiệm một số biện pháp tác động (theo mô hình thực nghiệm) nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và học sinh THPT tỉnh Bình Dương.
Các kết quả chính phải đạt được sau khi đề tài kết thúc
1. Tổng kết các vấn đề về lý luận liên quan đến công tác hướng nghiệp
Hướng nghiệp hay giáo dục hướng nghiệp là công tác nhằm phân luồng học sinh sau tốt nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho các em. Hướng nghiệp là quá trình chuẩn bị cho con người lựa chọn nghề nghiệp một cách có ý thức và chuẩn bị có tính thích ứng nghề trong tương lai.
Tư vấn hướng nghiệp là một hệ thống những biện pháp tâm lý – giáo dục nhằm đánh giá toàn bộ năng lực thể chất và trí tuệ của thanh thiếu niên, đối chiếu các năng lực đó với những yêu cầu do nghề đặt ra đối với người lao động, có cân nhắc đến nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội, trên cơ sở đó cho họ những lời khuyên về chọn nghề có căn cứ khoa học, loại bỏ những trường hợp may rủi, thiếu chín chắn trong khi chọn nghề.
Hiệu quả công tác hướng nghiệp là những hiệu ứng hay những kết quả đạt được của công tác hướng nghiệp. Nói khác đi, những nhiệm vụ hay những mục tiêu của việc hướng nghiệp và giáo dục hướng nghiệp đạt được ở một mức độ nhất định sau quá trình thực hiện.
Hiệu quả của công tác hướng nghiệp thể hiện nhiều nhất ở biểu hiện: mức độ ảnh hưởng của nó đối với định hướng nghề nghiệp của học sinh, sự hiểu biết của học sinh về các ngành nghề, các xu hướng nghề nghiệp và một số biểu hiện ban đầu về thái độ và xu hướng hành vi liên quan đến hướng nghiệp của bản thân.

Sơ đồ 1. Sơ đồ mô tả miền chọn nghề tối ưu

 2. Tìm hiểu thực trạng công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và THPT tỉnh Bình Dương

Việc tìm hiểu công tác hướng nghiệp tỉnh Bình Dương nhằm giải quyết các vấn đề được đặt ra như sau:
  • Công tác hướng nghiệp – giáo dục hướng nghiệp có được tổ chức hay không, ở mức độ nào
  • Đánh giá chung về hiệu quả của công tác hướng nghiệp và những hoạt động cụ thể hay những biện pháp cụ thể trong giáo dục hướng nghiệp
  • Ảnh hưởng của hoạt động hướng nghiệp – giáo dục hướng nghiệp đối với sự lựa chọn nghề nghiệp và tương lai của bản thân học sinh
  • Hiểu biết của học sinh về ngành nghề, các xu hướng nghề nghiệp và một số biểu hiện ban đầu về thái độ, xu hướng hành vi liên quan đến hướng nghiệp của bản thân.

Biểu đồ 2. Việc sử dụng các phương pháp hướng nghiệp của nhà trường

3. Thực nghiệm một số biện pháp tác động (theo mô hình thực nghiệm) nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và học sinh THPT tỉnh Bình Dương
Học sinh khối 9
  • Tổ chức tư vấn hướng nghiệp cộng đồng: Định hướng tương lai của bản thân.
  • Tổ chức tư vấn hướng nghiệp cộng đồng: Sở thích – khả năng và phân ban học tập.
  • Tham vấn cá nhân về hướng nghiệp cho học sinh.
  • Tổ chức giao lưu nghề nghiệp “Con đường của tôi” với một nhân vật thành công dù không học Đại học ngay từ đầu.
  • Tham quan “Nghề nghiệp của tôi”, giao lưu với anh chị công nhân có trình độ tốt nghiệp THCS và rẽ ngang để làm việc.
Học sinh khối 12
  • Tổ chức tư vấn hướng nghiệp cộng đồng “Tôi chọn nghề hay nghề chọn tôi”.
  • Làm quen với trắc nghiệm “Khám phá tính cách bản thân”.
  • Tổ chức tư vấn hướng nghiệp cộng đồng “Tam giác nghề nghiệp”.
  • Làm quen với trắc nghiệm: “Xu hướng chọn nghề theo năm nhóm nghề cơ bản qua sự tự đánh giá”.
  • Tham vấn cá nhân về hướng nghiệp cho học sinh.
  • Tổ chức giao lưu nghề nghiệp: “Con đường của tôi” với một nhân vật thành công trong nghề nghiệp.
  • Tham quan “Nghề nghiệp của tôi”, giao lưu với công nhân và nhà quản lý. Trao đổi về bảng mô tả công việc các công việc cụ thể, dự báo tuyển dụng, cơ hội trở thành quản lý.
Phụ huynh và các lực lượng giáo dục khác (THCS)
  • Thực hiện chương trình tọa đàm với phụ huynh về công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS tại trường THCS (một lần trong một năm học)
  • Thực hiện chương trình truyền thông “Giáo dục hướng nghiệp” trên Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương để góp phần nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp. Gửi thông báo thông tin đến phụ huynh giờ phát sóng chương trình để cùng theo dõi (12 số phát sóng).
Phụ huynh và các lực lượng giáo dục khác (Trung học phổ thông)
  • Thực hiện chương trình tọa đàm với phụ huynh về công tác hướng nghiệp cho học sinh THPTtại trường THPT(một lần trong một năm học)
  • Thực hiện chương trình truyền thông “Giáo dục hướng nghiệp” trên Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương để góp phần nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp. Gửi thông báo thông tin đến phụ huynh giờ phát sóng chương trình để cùng theo dõi (12 số phát sóng).
Nhà trường (THCS)
  • Tiến hành huấn luyện các nội dung hướng nghiệp và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh Trung học với tên gọi “Tiếp cận công tác hướng nghiệp cho học sinh Trung học – những cơ sở khoa học cần thiết”
  • Hướng dẫn các kiến thức cơ bản thông qua hình thức trao đổi chuyên môn và thảo luận trong chương trình huấn luyện. Đặc biệt là giải quyết các câu hỏi cơ bản về phân ban học tập, chọn tương lai học tiếp hay học nghề…
  • Cung cấp một vài công cụ ban đầu thông qua công tác huấn luyện
  • Cung cấp những biện pháp định hướng tương lai phù hợp.
Nhà trường (Trung học phổ thông)

  • Tiến hành huấn luyện các nội dung hướng nghiệp và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh Trung học với tên gọi “Tiếp cận công tác hướng nghiệp cho học sinh Trung học – những cơ sở khoa học cần thiết”.
  • Hướng dẫn các kiến thức cơ bản thông qua hình thức trao đổi chuyên môn và thảo luận trong chương trình huấn luyện. Đặc biệt là giải quyết các câu hỏi cơ bản về hướng nghiệp, giáo dục hướng nghiệp
  • Cung cấp một vài công cụ ban đầu thông qua công tác huấn luyện
  • Cung cấp những biện pháp hỗ trợ học sinh hướng nghiệp hiệu quả.

Biểu đồ 3. Dự định sau khi học xong phổ thông của học sinh nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm sau thực nghiệm

Biểu đồ 4. Đánh giá của giáo viên nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm về mức độ ảnh hưởng của các đối tượng khác nhau đến việc chọn nghề của học sinh sau thực nghiệm

Biểu đồ 5. Đánh giá của học sinh nhóm thực nghiệm về mức độ hiệu quả của các hoạt động thực nghiệm

Hình 6. Mô hình thực nghiệm chuyên đề “Con đường của tôi” tại trường
THPT Tây Nam

Hình 7. Mô hình thực nghiệm chuyên đề “Tôi chọn nghề hay nghề chọn tôi” tại trường THPT Tân Bình

Hình 8. Mô hình thực nghiệm chuyên đề “Trao cho con niềm tin nghề nghiệp” tại trường THPT Tân Bình

Hình 9. Họat động huấn luyện công tác hướng nghiệp cho giáo viên trường THPT Tây Nam

Ý nghĩa khoa học và xã hội của đề tài

Thể hiện thực trạng công tác hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương một cách khoa học thông qua các số liệu được thống kê phân tích chi tiết, cụ thể kèm theo những đánh giá khách quan.

Xác lập các mô hình thực nghiệm và đánh giá thực tiễn để làm cơ sở cho việc đề xuất các họat động nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, qua đó từng bước giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng trong công tác hướng nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Kết luận
Hiện tại, học sinh ít hứng thú tham gia vào các hoạt động hướng nghiệp của nhà trường. Nguyên nhân do hình thức tổ chức các buổi hướng nghiệp còn nghèo nàn, không có nhiều thông tin mới, không có nhiều thời gian, không có thầy cô chuyên trách, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng giáo dục. Nhìn chung, nhà trường ảnh hưởng rất ít đến các em trong việc quyết định lựa chọn một nghề.
Về phía cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức đầy đủ về mục tiêu của công tác hướng nghiệp trong nhà trường. Tuy nhiên, việc triển khai nội dung hướng nghiệp cho học sinh còn chưa đầy đủ và trọn vẹn các nội dung hướng nghiệp. Phương pháp hướng nghiệp giáo viên sử dụng chủ yếu là phương pháp thuyết trình giảng giải. Thực tế cho thấy nhà trường có sử dụng nhiều hình thức tổ chức hướng nghiệp cho học sinh song hiệu quả hướng nghiệp cho học sinh Trung học chỉ ở mức trung bình.
Nhìn chung, học sinh chưa hài lòng với những gì nhà trường đã mang lại và có biểu hiện chưa thực sự đặt sự tin tưởng vào các hoạt động hướng nghiệp do nhà trường tổ chức. Nội dung hướng nghiệp chưa bắt kịp nhu cầu của học sinh, phương pháp và hình thức tổ chức hướng nghiệp còn nghèo nàn, lực lượng hướng nghiệp chưa có chuyên môn, hiệu quả mang lại còn hạn chế. Nói một cách tổng quát nhất, các hoạt động hướng nghiệp đã tiến hành chỉ mang lại kết quả trung bình.
Việc nghiên cứu áp dụng các mô hình thực nghiệm của đề tài thể hiện kết quả khả quan, giả thuyết nghiên cứu được xác lập và mô hình thực nghiệm này có thể được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và THPT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010 – 2015.
Kiến nghị
Đối với Bộ giáo dục – đào tạo
Cần tiếp tục xây dựng một mô hình giáo dục hướng nghiệp cụ thể hơn để đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt, tiếp tục chỉnh sửa chương trình chi tiết về giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và học sinh THPT.
Cần định hướng các trường trung học chú trọng giáo dục hướng nghiệp và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực. Cần có cơ chế kiểm tra – giám sát việc thực hiện chương trình này một cách chuyên biệt cũng như việc thực hiện lồng ghép trong từng môn học cụ thể.
Đối với Sở giáo dục và đào tạo Bình Dương
Cần có các kế hoạch chỉ đạo kiểm tra – giám sát một cách thường xuyên, liên tục công tác giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo việc thực hiện công tác này đem lại hiệu quả tích cực cho học sinh trung học tại tỉnh Bình Dương.
Nên có những chương trình hành động hỗ trợ các trường trung học trong việc thực hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học như: Bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ các băng hình về hướng nghiệp, hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật để giáo dục hướng nghiệp, hỗ trợ các công cụ hướng nghiệp…
Nên nghiên cứu phối hợp với Sở Nội vụ để tiến hành tuyển dụng các chuyên viên tham vấn tâm lý – hướng nghiệp làm việc ở các trường trung học và tiến tới nghiên cứu để thành lập phòng tham vấn tâm lý – hướng nghiệp ở trường trung học do lực lượng có chuyên môn đảm trách
Đối với các trường Trung học
Cần quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường trung học đặc biệt là từ giai đoạn cuối cấp học sinh THCS để đảm bảo chuẩn bị cho học sinh có những cơ sở khoa học trong việc hướng nghiệp – chọn nghề.
Cần thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh bằng nhiều hình thức đa dạng – phong phú và hấp dẫn phù hợp với điều kiện của từng trường cũng như từng cơ sở đào tạo nhưng có chú ý đến nhu cầu và sự mong đợi của học sinh để bổ sung vào mô hình thực nghiệm.
Các giáo viên hướng nghiệp cần tích cực trang bị những kiến thức và kỹ năng có liên quan và chú trọng kết hợp với chuyên viên tham vấn để thực hiện mô hình thực nghiệm. Đặc biệt, cần chú trọng phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục hướng nghiệp thực sự tích cực và hiệu quả.

Thùy Trang

Theo khcnbinhduong.gov.vn