Làng Thanh Am bên sông Đuống

Làng Thanh Am bên sông Đuống

Thanh Am ngày xưa thuộc trấn Kinh Bắc, nay thuộc phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội. Cách trung tâm Thủ đô ở phía nam 8km và cách thành Cổ Loa về phía tây bắc 8km, lịch sử đã sắp đặt cho làng Thanh Am nằm ở giữa Cổ Loa (Kinh đô cổ) và Thăng Long – Hà Nội (Kinh đô thời trung đại và Thủ đô hôm nay) của nước Việt.

Từ cổ xưa vùng quê này đã có tên Nôm là làng Đuống. Đây là một trong những điểm tụ cư các bộ lạc người Việt cổ ở đồng bằng Bắc bộ, nằm bên mạn nam sông Thiên Đức. Trải mấy ngàn năm, rồi qua những thế kỷ dân tộc Việt ta có nền độc lập tự chủ, làng Đuống còn lưu giữ nhiều sắc phong, thần phả, sấm ký (của Trạng Trình), nhiều bia đá, chuông chùa và những cụm đình chùa, miếu mạo… chứa đựng biết bao phong tục cổ đậm đà màu sắc của một làng quê xứ Bắc. Làng Đuống cũng nổi danh thiên hạ bởi sự phồn thịnh và có phong cảnh đẹp đẽ. Bởi sự nổi danh ấy, nên dòng sông Thiên Đức xưa đã được người đời gọi theo tên làng, là sông Đuống…

Vào thế kỷ XVI, thời nhà Mạc (1527 – 1592), Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm đi qua vùng Đuống, thấy trên bến dưới thuyền, phong cảnh hữu tình, “thật  đúng là một dải Thiên Đức trước chầu về, sau gấp khúc, thực đắc địa càn khôn sáng soi nhật nguyệt…” (theo Thần phả của làng Thanh Am, Hoàng Lê Dịch). Và rồi Trạng Trình đưa một số người trong họ tộc từ làng Trung Am (thuộc Hải Phòng ngày nay) về làng Đuống sinh sống. Ít lâu sau, Trạng Trình đặt tên chữ cho làng là Hoa Am, là làng Am thứ 18 như ở quê ông (sau này mới đổi gọi là Thanh Am). Khi về già, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường sống ở đây, ông khuyến khích và hướng dẫn dân làng phát triển nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa; cùng dân chúng tu bổ đình, chùa, quy hoạch làng xóm, ruộng vườn khang trang, tươi đẹp. Sau khi ông qua đời, dân chúng ghi nhớ công lao của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên suy tôn ông làm thành hoàng làng…

Đình làng Thanh Am được tạo dựng từ thế kỷ XVI. Ngày xưa, đình thờ hai danh nhân thời Hai Bà Trưng là Đào Kỳ tướng quân và Phương Dung công chúa, đến thế kỷ XVII thì phối thờ thêm danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đã qua nhiều lần trùng tu, dấu ấn kiến trúc các đời khá đậm nét. Trước đình có giếng hình bán nguyệt, quanh năm nước trong vắt. Qua sân đình là bước lên tòa đại đình gồm 7 gian trên diện tích 319m2, dài 29m, rộng 11m; mái lợp ngói ta, dạng 4 mái với 4 đầu đao uốn cong. Các bộ vì kèo đều làm theo kiểu “chồng giường giá chiêng, hạ kè”. Cột cái cao 5,1m, chu vi 1,6m, cột con chu vi 1,4m, cột hiên chu vi 1,2m; cả hệ thống cột đình đều đặt trên những đá tảng lớn và dày. Mỗi con giường vì kèo đều được chạm nổi hoa lá và vân mây, đường nét khỏe khắn. Các đầu kè chạm rồng, mây, và bên trên là những hình lân ly quy phượng, nét chạm sâu, hình nối mạnh mẽ… Sau đại đình là phương đình, hai tầng mái lợp ngói âm dương. Tiếp đó là hậu cung, tạo nên toàn thể kiến trúc hình chữ tam. Có thể nói, từ cấu trúc chung cao lớn đến những chạm khắc trên các vì kèo, đình Thanh Am chứa đựng những vẻ đẹp khỏe khắn của nghệ thuật kiến trúc đình chùa mà các nghệ nhân thời Lê Trung Hưng và Nguyễn để lại cho hậu thế!

Đông Linh Tự của làng Thanh Am cũng là một ngôi chùa cổ được lập dựng từ xa xưa, như Bài minh trên chuông chùa mô tả: “Chùa Đông Linh của ấp ta nhằm nơi nhánh giữa Tam Đảo, bên phải uốn lượn, bên trái chuyền vòng một dải Thiên Đức… Quang cảnh chùa quả là chốn danh lam nổi tiếng từ xưa đến nay, chùa có gác chuông cao sừng sững bốn mùa buông tiếng vang xa”. Ngày xưa, chùa Đông Linh tọa lạc trên một khuôn viên lớn ở đầu làng. Nắng mưa lịch sử và bao cơn binh lửa, chùa bị hư hoại nhiều, người dân Thanh Am đã chuyển chùa về gần đình và tôn tạo theo nếp cũ, rất khang trang. Ngoài hệ thống bia đá cổ và nhiều đồ tế tự có giá trị văn hóa sử, di vật quý hiếm ở chùa Đông Linh là quả chuông lớn tạo tác năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793). Lời minh khắc trên chuông nói được rất nhiều điều về làng quê và con người Thanh Am (bản dịch của Hoàng Lê): Một trời cảnh đẹp/ Muôn thuở nguy nga/ Chùa Phật sừng sững/ Tòa sen sáng lòa/ Vật giàu người khỏe/ Mưa thuận gió hòa/ Đáp đền công đức/ Trời đất lâu xa…

Theo: Daibieunhandan