Đồng Tháp: Quýt hồng Lai Vung rộn rã vào xuân
Theo đánh giá của nhiều nhà vườn, mùa quýt hồng năm nay ở huyện Lai Vung sản lượng bị sụt giảm nhiều do điều kiện thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, bù lại giá quýt hiện đang giữ mức ổn định và có chiều hướng tăng lên từng ngày.
Quýt hồng chuẩn bị đón Tết
Hiện toàn huyện Lai Vung có hơn 1.900ha quýt hồng đang cho trái, nhiều nhất là ở các xã Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành. Dự đoán từ nay đến Tết, giá quýt còn tiếp tục tăng nên bà con nhà vườn rất phấn khởi. Theo tính toán của các nhà vườn, vụ thu hoạch này quýt được mùa, dự tính năng suất đạt 30 – 35 tấn/ha. Chính vì thế, để nâng cao giá trị đặc sản quýt hồng, bí quyết của nhiều nhà vườn là cho thu hoạch sản phẩm đúng dịp Tết. Hiện phần lớn chủ vườn biết cách xử lý quýt ra hoa đúng kỳ, kết hợp phân bón, thuốc, tưới nước phù hợp. Theo các chủ vườn, sau khi ra trái, nuôi trái cho đến khi thu hoạch là 10 tháng.
Anh Nguyễn Triệu Duy – một chủ vườn quýt hồng ở xã Tân Phước chia sẻ: “Năm nay, diện tích hơn 9.000m2 quýt của gia đình tôi nằm trong hệ thống đê bao liên kết ngăn lũ chắc chắn nên không bị ảnh hưởng và hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện tại, giá quýt dao động khoảng 17.000 – 20.000 đồng/kg. Thời gian cận Tết, các thương lái đến tận vườn mua với giá bình quân khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg. Theo đó, ước tính sản lượng quýt của gia đình tôi năm nay sẽ đạt mức gần 45 tấn”.
Vụ quýt Tết năm nay, ước lượng toàn huyện Lai Vung sẽ cung cấp cho thị trường các nơi từ 35.000 – 40.000 tấn quýt. Thị trường tiêu thụ quýt hồng Lai Vung rộng khắp cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, nhiều nhất là ở các chợ vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Bình quân 1ha quýt hồng, nông dân có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đây là nguồn thu khá hấp dẫn, giúp các nhà vườn cải thiện cuộc sống, đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ với nhiều niềm vui.
Theo ông Nguyễn Bé Năm – Trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Lai Vung, nhằm giúp cho người dân trồng quýt không gặp khó khăn trong canh tác, ngay từ đầu vụ, Trạm Bảo vệ thực vật huyện phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hướng dẫn về các biện pháp kỹ thuật. Cụ thể như tỉa cành, loại bỏ bớt trái không cần thiết, sử dụng phân hữu cơ, giảm lượng phân vô cơ, trừ sâu bệnh trên cây quýt và các biện pháp quản lý lợi ích của quần thể thiên địch. Ngoài ra, áp dụng chương trình IPM giảm số lần phun xịt thuốc, bón phân cân đối. Qua đó, giúp trái quýt hồng khi thu hoạch được sạch, đẹp, bóng hơn, bán được giá cao hơn.
Theo bà con nông dân trồng quýt, năm nay nhiều chủ vườn còn nghiên cứu đưa cây quýt vào chậu làm kiểng quýt hồng. Cách làm này được thị trường rất ưa chuộng và bán được giá.
Nhật Khánh/ Báo Đồng Tháp