Làm sao phục hồi cây bông vải

Làm sao phục hồi cây bông vải

Những năm trước đây, VN phát triển được 30.000 ha bông vải, nhưng đến nay tụt giảm xuống chỉ còn dưới 10.000 ha, vì sao? Làm thế nào để phát triển diện tích cây bông vải là vấn đề khá nan giải.

 Từ năm 1995 – 2003, diện tích bông vải không tưới trên cả nước trong đó chủ yếu là các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung đã đạt hơn 30.000 ha, năng suất bình quân trên 10 tạ/ha, có vùng đạt 15 tạ. Tổng sản lượng bông xơ đã đáp ứng được xấp xỉ 8% nguyên liệu cho ngành dệt may.

Đi theo diện tích này là các NM cán bông thuộc Cty Bông VN (nay là Cty CP Bông VN) lần lượt được xây dựng ở Đồng Nai, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Gia Lai. Đạt tổng công suất cán bông khoảng 70.000 tấn bông hạt/năm…
Tham quan SX bông tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận
Tuy nhiên diện tích này đã không những không được giữ mà  thậm chí còn tuột dốc đáng sợ. Những năm  đầu của thế kỉ XXI, diện tích bông trên cả  nước chỉ đạt  trên dưới 10.000 ha, năng suất bình quân đạt 10 – 13 tạ/ha.
Từ đảm bảo được xấp xỉ 8% nguyên liệu cho ngành dệt may, đến nay rớt xuống chỉ còn 1 – 2%. Lí giải về hiện tượng này, nhiều người tâm huyết với cây bông vải cho rằng do sự cạnh tranh gay gắt với cây màu cùng vụ về năng suất và giá thu mua. Cụ thể về năng suất bông VN chỉ đạt khoảng 400 kg sợi/ha, trong khi Trung Quốc đạt 1.225 kg và Israel là 1.727 kg.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng ngành bông đã quá chậm trong việc chuyển đổi hình thức SX lẫn cơ cấu về giống. Bởi với mô hình trồng bông vụ mưa, sử dụng nước trời chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cao, giá thu mua không theo kịp giá các loại cây trồng cùng vụ khác.
Trong khi đó, vì chú trọng phát triển bông vụ mưa nên các nghiên cứu  đã không chú trọng đến mô hình trồng bông vụ khô có tưới, mặc dù ngành bông đã có khá nhiều các tiến bộ kỹ thuật về giống kháng sâu bệnh và kỹ thuật canh tác.
Đứng trước thực trạng của việc phát triển bông và nhu cầu cung ứng bông xơ cho ngành dệt may mà đến nay mỗi năm cần 400.000 tấn, ngày 8/1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29-QĐTTG về việc phê duyệt “Chương trình Phát triển cây bông vải đến năm 2015 định hướng đến năm 2020”.
Theo đó đến năm 2015 cả nước sẽ có 30.000 ha, trong đó có tưới 9.000 ha. Năng suất đạt 15 tạ với bông không tưới và 20 tạ với bông có tưới, sản lượng bông xơ đạt 20.000 tấn. Đến năm 2020 các số liệu trên lần lượt là 76.000 ha, sản lượng xơ đạt 60.000 tấn .
Muốn đạt được mục tiêu này cần có các chính sách thích hợp và đồng bộ về quy hoạch đất, chuyển đổi mô hình trồng từ nông hộ nhỏ lẻ sang trang trại, HTX, cánh đồng hộ lớn, từ vụ mưa sang vụ khô có tưới, áp dụng cơ giới hoá, từ khâu làm đất đến thu hoạch.
Sau 2 năm thực hiện quyết định 29, tình hình phát triển bông đã có chuyển biến tích cực. Chỉ tính niên vụ 2011 – 2012, diện tích đã được 1.1260 ha, tăng hơn niên vụ trước 70%, sản lượng bông xơ đạt 4.864 tấn. Mặc dù vậy, so với như cầu bông sơ của ngành dệt may thì với kết quả đó cũng như hạt muối bỏ biển.
Trước bối cảnh đó, được Tập đoàn Dệt may VN giao, Cty CP SXKD nguyên liệu dệt may VN đã có những bước đi tích cực. Tập đoàn Dệt may VN đã cùng Cty làm việc với lãnh đạo các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk, Đắk Nông, Quảng Bình, Quảng Trị để xin chủ trương quy hoạch đất phát triển bông.
Tại các buổi làm việc này, trước nhu cầu về tăng tỉ lệ nội địa hoá ngành dệt may để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi VN được tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các điều kiện về khí hậu thổ nhưỡng thích hợp trồng bông theo mô hình trang trại có tưới, lãnh đạo các tỉnh đều đồng thuận chủ trương phát triển bông theo QĐ 29.
Vậy nhưng khi thực hiện nhiều khó khăn phát sinh. Trước hết là quy hoạch đất trồng bông tập trung. Kế đến là vốn đầu tư khá lớn mà nếu không có chủ trương tháo gỡ từ Chính phủ thì các doanh nghiệp sẽ không làm được.
Đơn cử, khi Cty được tỉnh Bình Thuận giao cho 50 ha đất ở huyện Tuy Phong là loại đất bạc màu, cằn cỗi, không nguồn nước tưới. Đã vậy lại bị người dân xâm canh nên để có đất, Cty đã phải trả tiền hỗ trợ cho họ.
Do không có nguồn nước nên để ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và xả tràn Cty đã phải đào hồ chứa nước diện tích 250 m2. Ở diện tích gần 50 ha, Cty đã thử nghiệm một số mô hình bông trang trại có chứa nhỏ giọt, tưới rãnh tràn, với một số giống bông lai, bông thuần kháng sâu do Viện Nghiên cứu bông & phát triển nông nghiệp Nha Hố lai tạo.
Đến nay Cty đã xác định được theo công nghệ Israel với các giống bông VN01-2 mang lại kết quả tốt. Công nghệ này có ưu điểm nổi trội như tiết kiệm nhiều chi phí về nước, phân bón, công lao động.
Qua hai vụ ĐX 2009 – 2010, 2011 – 2012, diện tích đã trồng năng suất bình quân đạt 27 tạ/ha. Độ đồng đều và chất lượng xơ đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của ngành dệt may, hơn hẳn trồng bông vụ mưa, tận dụng nước trời. Đã mở ra tín hiệu đáng mừng cho việc phát triển bông tập trung có tưới và cơ giới hoá.
Tại tỉnh Đăk Lăk, hiện Cty đã được giao 200 ha ở huyện EaSup. Cty đã khai hoang được 100 ha. Song song đó cũng đang liên kết với làng thanh niên lập nghiệp giáp biên giới của tỉnh để triển khai mô hình trồng bông trang trại có tưới 200 ha.
Tuy nhiên khó khăn nhất của Cty là vốn. Để ứng dụng công nghệ có tưới và cơ giới hoá 1 ha cần đầu tư 200 triệu đồng. Với số đầu tư này thì các nông hộ nhỏ lẻ không thể làm được. Vì vậy muốn ngành bông phục hồi và phát triển thì phải hình thành các trang trại hoặc HTX. Cùng với đó là các chính sách, cơ chế thích hợp, trong đó có việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và canh tác.
 
Ngành Dệt may VN đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn, khi chúng ta tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Để không mãi là ngành chỉ thuần gia công, nhập siêu lớn hơn xuất khẩu thì một trong những vấn đề cần giải quyết là chủ động được nguyên phụ liệu, trong đó có bông vải.
 
Ở nước ta theo khảo sát trước đây đã khẳng định cây bông thích hợp để phát triển ở một số vùng duyên hải miền Trung và Tây nguyên.
 
Vấn đề còn lại như đại diện Bộ Công thương phát biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện QĐ 29 là: Bộ đã kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần xem xét và sớm phê duyệt cơ chế tài chính cho cây bông phát triển và xem chương trình phát triển cây bông là chương trình trọng điểm vì lợi ích quốc gia.
Nguyễn Lê/ Báo NNVN