Chất thải độc hại – mối đe dọa toàn cầu
Một nghiên cứu của Viện Blacksmith và Green Cross, Hoa Kỳ được thực hiện tại hơn 3.000 địa điểm thuộc 49 quốc gia kêu gọi cần nỗ lực hơn nữa để kiểm soát vấn đề chất thải độc hại.
Nghiên cứu đã xác định bãi chôn lấp chất thải điện tử Agbobloshie ở thủ đô Accra, Ghana gây ra mối đe dọa độc hại cao nhất. Hơn 200 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ tiếp xúc với chất thải độc hại.
Là khu vực xử lý chất thải điện tử lớn thứ hai ở Tây Phi, hàng năm, Ghana nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 215.000 tấn hàng điện tử tiêu dùng cũ, đặc biệt từ Tây Âu và thải ra thêm 129.000 tấn chất thải điện tử mỗi năm. Nghiên cứu cảnh báo nhập khẩu chất thải điện tử của quốc gia này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Tại bãi chôn lấp Agbobloshie, nghiên cứu đã phát hiện thấy sự xuất hiện hàm lượng chì trong đất rất cao, gây nguy cơ sức khỏe và môi trường nghiêm trọng cho hơn 250.000 dân ở khu vực lân cận.
Xếp thứ hai về mối đe dọa do chất thải độc hại là Chernobyl ở Ukraina, tiếp đó đến lưu vực sông Citarum ở Indonesia. Trong top 10 địa điểm trên thế giới có mối đe dọa về chất thải độc hại được nêu trong nghiên cứu, châu Phi, châu Âu và châu Á mỗi châu lục có 3 địa điểm, còn châu Mỹ Latinh có 1 điểm.
Theo nghiên cứu, hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em bị nguy hiểm do chôn lấp chất thải độc hại và ô nhiễm môi trường. Ở một số nơi, thiệt hại gây ra cho đất lớn đến mức không thể khắc phục, do đó, lựa chọn duy nhất là phải di dời dân cư và khoanh vùng ô nhiễm. Theo GS Jack Caravanos, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng các kim loại nặng rất khó loại bỏ khỏi đất.
Tổ chức y tế thế giới cùng với Ngân hàng thế giới ước tính, 23% số người chết tại các nước đang phát triển được cho là do các yếu tố môi trường như ô nhiễm và các yếu tố rủi ro môi trường góp phần gây ra hơn 80% các bệnh thường gặp.
N.P.D (Theo BBC News)