Bà Phạm Chi Lan:Hậu quả sai lầm của chiến lược nông nghiệp
“Tôi nghĩ đấy là một trong những sai lầm của mình, cũng là một cái sai mang tính chất chiến lược, ham thành tích. Mà nói cho cùng thì thành tích xuất khẩu gạo nhiều thì ai được hưởng lợi nhiều nhất, đó là mấy doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, những đơn vị trong Hiệp hội Xuất khẩu lương thực”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhìn nhận.
Sản lượng nông nghiệp tăng, nhưng giá lại giảm dần
Sản lượng các mặt hàng nông sản liên tục tăng qua các năm, nhưng giá lại giảm dần đều, mọi thiệt hại người dân phải gánh chịu toàn bộ. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đấy là hậu quả của định hướng chiến lược sai, người nông dân chịu thiệt hại, trong khi dù giá lên hay xuống, thương lái, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu đều hưởng lãi.
Chuyên gia Phạm Chi Lan
PV: – Với những vấn đề của sản xuất nông nghiệp hiện nay như được mùa mất giá, sản xuất càng nhiều giá càng giảm, thậm chí sản phẩm làm ra không bán được cho ai, người nông dân đang đối mặt với phá sản, nợ nần… Bà có đánh giá gì về tình hình sản xuất và bán sản phẩm của người nông dân thời gian qua?
Bà Phạm Chi Lan: – Thị trường nông sản nói chung đã được nói tới rất nhiều thời gian qua, và cũng đã được bản thảo rất nhiều ở các tầng khác nhau. Kể cả kỳ họp Chính phủ tổng kết 6 tháng đầu năm 2013, chủ đề nông sản và người nông dân cũng đã được bàn tới rất nhiều. Những mối lo về nông sản và đời sống người nông dân được đưa lên bàn thảo luận như vậy là rất cần thiết.
6 tháng đầu năm cho thấy rất rõ tăng trưởng của nông nghiệp đã giảm xuống nhiều so với trước, giờ mức tăng trưởng chỉ còn 2%, cùng với mức tăng công nghiệp cũng thấp làm cho kinh tế 6 tháng đầu năm nay không được như cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng vấn đề chính là người nông dân đang ngày càng ở thế bất lợi về rất nhiều mặt, sản phẩm của họ tiêu thụ rất khó khăn, mức độ tăng trưởng thị trường tiêu thụ cũng rất khó, có nhiều mặt hàng thực sự là bế tắc khi muốn đưa ra thị trường.
Điều đó dẫn tới kết cục khó khăn của một số doanh nghiệp nông sản, nhưng nói cho cùng người nông dân làm ra sản phẩm đó còn khốn đốn hơn. Vì doanh nghiệp ít nhiều còn có lực hơn, đã qua một thời gian kinh doanh, đã có vốn liếng tích lũy nhất định, còn người nông dân được mùa nào thì trông mùa đấy, có tích lũy được gì đâu để phòng cho những lúc khó khăn. Cho nên, càng khó khăn thì người nông dân càng phải chịu đựng nhiều hơn.
Nghiên cứu vừa qua của Viện Chiến lược và chính sách nông nghiệp cho thấy, từ năm 2006 tới nay mức sống của người nông dân trên thực tế đã giảm xuống rất nhiều. Về mặt danh nghĩa có thể chi phí cho ăn uống, lương thực, thực phẩm tăng lên, nhưng cái đó chủ yếu do tăng giá, chứ không phải chất lượng bữa ăn được cải thiện. Chính những người làm nông nghiệp còn không được thừa hưởng thành quả của mình, thì làm sao động viên họ tiếp tục làm được.
PV: – Phải chăng đấy là hậu quả của việc định hướng chiến lược sai, khi lâu nay ngành nông nghiệp, các địa phương chỉ chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng và các giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp?
Bà Phạm Chi Lan:– Đúng vậy, tôi nghĩ đấy là một trong những sai lầm của mình, cũng là một cái sai mang tính chất chiến lược, ham thành tích. Mà nói cho cùng thì thành tích xuất khẩu gạo nhiều thì ai được hưởng lợi nhiều nhất, đó là mấy doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, những đơn vị trong Hiệp hội Xuất khẩu lương thực.
Mà Hiệp hội đó lại được Nhà nước trao cho quá nhiều quyền, kể cả phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, đàm phán thị trường, họ (doanh nghiệp – PV) hưởng đủ, trong khi đẩy tất cả thiệt hại về cho người nông dân.
Lẽ ra họ phải là đơn vị xem lượng gạo xuất khẩu của VN như thế nào là vừa phải, mang lại lợi ích tốt nhất, nhưng dường như đối với họ càng bán được nhiều thì càng được lợi, dù giá lên hay xuống thì họ vẫn là người được, còn người thua là nông dân, nên họ không quan tâm.
PV: – Chính phủ cũng đã áp dụng thu mua lúa gạo tạm trữ, với mục tiêu người nông dân lãi 30%, nhưng thực tế không đạt được như vậy, thậm chí người nông dân còn bị thương lái, doanh nghiệp ép giá, quan điểm của bà thế nào về chương trình này?
Bà Phạm Chi Lan:– Tất cả chính sách đó thì người được lợi là những doanh nghiệp được giao mua, bản thân người nông dân có được lợi bao nhiêu đâu. Chính sách đó đã nói mấy năm nay rồi là phải thay đổi cách làm nhưng có thay đổi được đâu. Vì mấy ông Hiệp hội lương thực vẫn mạnh tiếng hơn nhiều, nên vẫn thuyết phục được Nhà nước để cho các ông ấy làm.
PV: – Có doanh nghiệp hỗ trợ nông dân giống, phân bón, như một hình thức cho người nông dân vay vốn sản xuất. Nhưng doanh nghiệp lại tính giá thật cao, khi mua vào sản phẩm lại ép giá thấp, và thực tế người nông dân bị biến thành người làm thuê trên đất của mình, hầu như không có lãi, thậm chí lỗ, bà nghĩ sao về điều này?
Bà Phạm Chi Lan: – Tình trạng đó rõ ràng là có và đã xuất hiện nhiều, nhưng ở đây lại đặt vấn đề quản lý của Nhà nước như thế nào, vì tất cả hiện tượng xấu như vậy đã nêu nhiều mà chả ai làm gì để khắc phục nó cả. Đấy là điều đáng tiếc. Báo chí, các chuyên gia lên tiếng có phải ít đâu.
PV: – Vậy theo bà, chúng ta cần làm gì để gỡ khó khăn cho nông dân và nông sản?
Bà Phạm Chi Lan: – Tôi nghĩ, về mặt chính sách cần xem xét lại một cách toàn diện. Lâu nay chúng ta nhấn quá nhiều vào vấn đề an ninh lương thực, cứ nghĩ rằng thị trường lương thực tế giới rộng lớn, mình có rất nhiều cơ hội để phát triển xuất khẩu. Nhưng trên thực tế không phải thế. Vài năm gần đây một số nước cũng tăng cường xuất khẩu nông sản, gạo thì có Ấn Độ, Myanmar, Campuchia. Một số nước khác vươn lên xuất khẩu gạo cũng khá tốt và cạnh tranh ngang ngửa với chúng ta.
Mặt khác, những nước phải nhập khẩu gạo lâu nay cũng cố gắng cải thiện sản xuất gạo để có thể tự cung, tự cấp được nhiều hơn, giảm bớt nhu cầu nhập khẩu.
Nên mình cũng đừng ham cứ chạy theo thành tích mỗi năm xuất khẩu gạo ngày càng nhiều mà lấy đấy làm vui. Trong khi xuất khẩu nhiều thêm nhưng giá trị lại giảm đi, còn đầu vào cho sản xuất lại tăng lên, có nghĩa là người trồng lúa chịu thua thiệt đi chứ không phải được lợi hơn. Mình không nên ham chạy theo thành tích kiểu như vậy.
Tôi cho là rất cần phải xem lại chủ trương về phát triển lương thực, như vừa rồi nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Công Tạn có nói, đừng để cho vấn đề an ninh lương thực trở thành như một cái gông với chúng ta mà cứ phải theo đuổi. Tôi cho VN nên hoạch định lại để có một lượng nông sản dư thừa vừa phải về mặt gạo, không nhất thiết phải làm nhiều đến thế. Mà nhất là có những nơi làm lúa không có hiệu quả cao bằng các cây trông khác thì nên để cho người nông dân được chuyển đổi làm các cây trồng khác có thể mang lại thu nhập lớn hơn cho họ.
Đấy là nguyên tắc hết sức cần thiết. Cần tính toán lại diện tích cần bao nhiêu, thực hiện chỗ nào phải tính rất cụ thể để đảm bảo có dư thừa nhất định so với yêu cầu trong nước, dư thừa vài ba triệu tấn để xuất khẩu cũng được. Như hiện nay xuất khẩu tới 7-8 triệu tấn tôi nghĩ là không cần thiết và không nên. Vì gạo càng nhiều thì mình càng bị thiệt về giá cả.
Cà phê cũng vậy, cần tính lại số lượng cà phê, mình cần xuất khẩu số lượng thế nào, thị trường cũng không phải tiêu thụ vô hạn độ về mặt hàng này, rồi cũng còn nhiều nước khác họ xuất khẩu, cũng cần phải tính toán lại. Chạy theo cà phê cũng quá đáng, diện tích trồng cà phê tăng lên quá nhiều, cần phải hoạch định lại.
Thứ nữa, là tính toán lại toàn bộ các loại cây trồng, vật nuôi, cần thiết thì phải điều chỉnh để thúc đẩy các ngành phát triển tốt hơn. Như chăn nuôi hiện nay đang trong tình trạng bị thua thiệt rất nặng nề, thành ra cả giá và sản lượng đều giảm mạnh, người chăn nuôi có xu hướng dẹp bỏ đi không làm nữa. Cái đó là rất không nên, vì chăn nuôi vốn dĩ là ngành mang lại lợi nhuận tốt hơn so với trồng trọt.
Nhưng vấn đề với chăn nuôi là chi phí đầu vào cho thức ăn chăn nuôi đắt quá, tăng liên tục, rồi bị rơi vào khống chế của một số nhà cung cấp. Thành ra người chăn nuôi bị thiệt thòi rất nhiều.
Mặt khác, việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm từ thịt gia súc mở quá nhanh, trong khi không có công cụ cần thiết để bảo vệ chăn nuôi tốt trong nước. Tất cả cần tính toán lại.
Còn nói chung với tổng thể ngành nông nghiệp thì cần thêm đầu tư vào nông nhiệp để bù đắp lại. Một thời gian dài chúng ta đã lãng quên và giảm sút rất nặng thì giờ cần bù đắp lại, làm sao nâng cao chất lượng của sản xuất nông nghiệp. Trên thị trường thế giới, để cạnh tranh được bây giờ cũng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng. Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có các tiêu chuẩn an toàn, thì có rẻ cũng không bán được, chứ đừng nghĩ cứ cạnh tranh bằng giá rẻ mãi mà được.
PV: – Xin cảm ơn bà!
Lê Việt (thực hiện)