Cách làm trống da trâu

Cách làm trống da trâu

Đất Nước mình mãi còn là vì có những thứ không cầm nắmđược nhưng có thể truyền lại cho đời sau, có những thứ bình dị nhưng gột nên bao điều thiêng liêng mà không ai được phép lãng quên. Chẳng hạn, âm thanh của tiếng trống hội gióng lên ngày xưa như vẫn còn vọng mãi đến muôn đời…

Ngày nhỏ đi chăn trâu, tôi rất thích xoa vào bụng trâu rồi vỗ vỗ tay vào để nó kêu lên như trống. Về cấu trúc sinh học, trâu khác với các loại động vật khác ở chỗ bụng luôn căng ra, bất kể no hay đói. Trâu thả trên đồng thì nó cứ gặm cỏ suốt buổi, mỗi lần nhấm nháp một ít để tối về nhai lại. Bụng trâu căng ra như một cái trống, khi đưa tay vỗ vào nó sẽ phát ra tiếng kêu và nhờ đó biết được trâu đã no cỏ hay chưa. Trẻ con đi chăn trâu bày nhau cái mẹo này và cứ vỗ hoài nên thành ra một trò chơi. Những buổi chiều muộn, lũ trẻ cưỡi lên trâu về nhà. Khi đó trâu đã no lắm rồi, chúng đi chậm chạm nhưng dũng mãnh, bụng lắc qua lắc lại. Mỗi ngày, những chiếc trống bụng trâu cứ thế đi trên đường làng, còn lũ trẻ chúng tôi thì dùng tay làm dùi đánh vào. Người quê biết đánh trống ngay từ thuở ấu thơ là vậy!

Mặt Trống Da Trâu

Ở chùa, đình làng và từ đường nhà thờ họtộc, mỗi nơi có một chiếc trống to. Trống đặt nơi khô ráo để giữ cho mặt da trâu khỏi bị hỏng. Chỉ cần thấm nước một lần thì da trâu dịu đi, khi dùi gõ vào sẽ thủng ngay. Người làng kỵ nhất chuyện trống thủng, bởi quan niệm trống là linh hồn làng; hơn nữa, mỗi lần căng mặt trống phải mời thợ từ nơi khác về. Nămấy cái trống ở nhà thờ họ bị thủng, các cụ mời được đám thợ về căng lại, và tôi may mắn có dịp ngồi xem.

Những người thợ đặt thùng trống gỗ lên một cái giá đỡ. Sau đó rịt dậy để giữ thùng chặt vào cái giá này, một đầu trống áp vào giá, mặt cần căng thì hướng lên trên. Da trâu đã “thuộc” sẵn từ trước được úp lên mặt thùng. Họ đục trên mép tấm da trâu những lỗ nhỏ rồi xâu nhiều sợi dây dừa qua và cột dây dừa vào giá. Để làm căng mặt trống, người ta dùng những thanh tre ngắn vặn xoáy những sợi dây dừa đó. Mỗi lần vặn ngạt một tí và dùng dùi đánh thử lên mặt trống mới căng để thử. Các cụ ở làng sẽ đứng bên cạnh cùng nghe âm thanh của trống. Đến khi nào nghe tiếng trống đã vừa ý thì dừng căng đểnêm ngạt. Người thợ dùng một chiếc dùi sắt mài nhọn để đục thủng viền da chỗtiếp giáp với thùng gỗ. Sau đó nêm những chiếc ngạt tre già vào để giữ độ căng cho mặt trống. Khi mặt trống đã căng xong, họ tháo dây dừa ra và chắn lớp da trâu thừa xung quanh theo một viền tròn rồi lấy bào (dụng cụ thợ mộc) làm cho những mối ngạt tre bằng phẳng với da trâu quanh mép viền.

Mỗi loại trống có một cách đánh khác nhau, tuỳ vào từng lễ và nơi đánh. Ngày nhỏ đi chùa, thích nhất là được nghe hồi trống Bát Nhã lúc vào lễ Phật, khi ấy tiếng trống trộn với tiếng đại hồng chung nghe rất thanh tịnh. Trống làng và trống họ tộc đánh giống nhau, theo phương thức gióng âm từ chậm rời đến liên hồi và lắng dần. Người đánh trống phải là những người có tuổi, họ mặc áo dài chít khăn đóng. Trước khi đánh trống cần chỉnh đốn lại tư trang và đứng thẳng, hai chân hơi choãi ra bằng vai, hai tay nắm nhau đặt trước bụng.

Khi ở làng có người chết, nếu chưa đủ”tuổi đi làng” (thường là 18 tuổi) thì không được dùng chiêng trống và cả đánh thổi bát âm. Trống đám ma sẽ đánh kể từ khi vào đám cho đến lúc xong Lễ Thành Phần, tức là lễ tạ cuối cùng sau khi lấp quan tài. Trong một lễ tang ma, tiếng trống khi hạ quan tài xuống huyệt mộ là dồn dập nhất, có lẽ là để làm át đi tiếng khóc than của người nhà. Âm thanh của trống vì thếkhông chỉ là tiếng kêu thể hiện sự hùng sảng mà còn để chia buồn cùng nhau nỗi mất mát.

Ông nội tôi kể thời ở trại cải tạo sau giải phóng, những người tù binh luôn đói nên gặp phải gì cũng ăn được. Riêng có lần mổ thịt trâu thì khi ăn xong ai nấy đều nôn ra và khiếp một đời! Hẳn vì điều này nên ở các chợ người ta chỉ bày bán thịt bò mà không có bán thịt trâu. Người Việt mình kiêng kỵ việc ăn thịt trâu chắc bởi vì trâu đã giữ trong mình hồn dân tộc.

Hôm nay xem ký sự “Những gì còn lại của không gian di sản”, tôi nghe người dẫn chuyện hỏi Già làng ở Đắc Lăk: – Đam San có thật không? Già làng trả lời là bởi vì ông tin nên ông cho rằng Đam San có thật! Và tôi nghĩ chỉ cần chúng ta tin rằng tiếng trống da trâu còn mãi, thì điềuđó, hiển nhiên là sự thật thôi!

BÀI CA DA TRỐNG

Những đứa trẻ làng cưỡi trên lưng trâu vỗ vỗ vào da
phát ra tiếng kêu bôm bồm bộp…
rồi đến khi da trâu căng lên mặt trống gỗ
cụ già cầm dùi đánh tủng tùng tung…

Từ trong tiếng trống
tôi nghe mật cỏ ruộng đồng
nghe mùi bùn non vừa ải
đường cày con trâu nhà nông.

Những đứa trẻ làng rồi lớn thành những cụ ông
lại cầm dùi đánh vào mặt trống
năm năm tháng tháng
trẻ con người già
bài ca da trống
còn nghe vang xa…

Minsk3.2009
HOÀNG CÔNG DANH