Đồng bằng sông Cửu Long: Cá tra vẫn khó, cây trái được mùa
Số liệu của Tổng cục Thủy sản, 10 tháng đầu năm 2013, diện tích thả nuôi tôm cả nước đã đạt 100% kế hoạch năm với hơn 650.000 ha, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng đạt 150% kế hoạch, tăng hơn 38% so với cùng kỳ.
Cá tra vẫn chưa hết khó
Tuy vậy cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT cũng lưu ý, nhiều địa phương nuôi tôm thiếu quy hoạch nên người dân đã tự ý chuyển đổi diện tích nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản. Nếu có vấn đề xấu xảy ra, người nuôi tôm sẽ không có khả năng phục hồi sản xuất. Cùng đó, các hộ có quy mô, dịên tích nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, ý thức phòng bệnh còn hạn chế, chưa chú trọng đến công tác xử lý nguồn nước cấp, xử lý xả thải nên cũng làm tăng nguy cơ lay lan dịch bệnh.
Theo ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), thì Cục Thú y nên có quy trình quản lý tôm giống chặt chẽ. Theo đó, nếu tôm giống không đạt thì phải tiêu hủy chứ không để thả nuôi như hiện nay.
Trong khi đó, với các hộ nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long lại gặp khó khăn. Theo ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên Chương trình Thủy sản của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, hiện cả nước có 30 vùng nuôi cá tra của các DN chế biến cá tra xuất khẩu đạt chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council) nhưng chưa có hộ nuôi cá tra riêng lẻ nào đạt được chứng nhận này. Đó sẽ là vấn đề khó khăn khi các hộ cá thể bán cá cho các DN, trước khi chế biến xuất khẩu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc sản xuất và đạt chứng nhận ASC đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn. Cụ thể, đối với trại nuôi cá tra diện tích khoảng 4 ha, chỉ phần chi phí thuê tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đã tốn 10.000 – 15.000 USD. Tiếp theo đó, người nuôi cá phải tốn thêm phần chi phí từ 3.500-4.500 USD để thực hiện khâu chứng nhận. Hơn nữa, người nuôi cá lại phải đầu tư tiếp để cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng ao nuôi theo tiêu chuẩn ASC. Trong khi đó, tại thời điểm này vẫn chưa có sự khác biệt giữa cá tra đạt chứng nhận ASC với những sản phẩm khác. Vì thế, đối với những hộ nuôi cá nhỏ lẻ, muốn đạt được chứng nhận này thì phải liên kết lại với nhau thành vùng nuôi lớn- mà điều đó thì chưa diễn ra.
Hy vọng trái cây được mùa, trúng giá
Nói về trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán thì không thể không đề cập đến các loại trái cây dùng để chưng trong mâm ngũ quả trong ba ngày Tết. Muốn bán được thì quan trọng nhất phải là “hàng độc”, dáng đẹp, bắt mắt, thể hiện được mong muốn an khang, thịnh vượng trong năm mới của gia chủ.
Cùng với khóm phụng, khóm son… thì bưởi da xanh là loại trái cây có nhu cầu cao trong những ngày Tết. Tại thời điểm này, nông dân trồng bưởi da xanh ở các vùng chuyên canh bưởi trên địa bàn các xã Long Khánh, Hội Xuân, Cẩm Sơn, Bình Phú, Hiệp Đức, Phú An và Thanh Hòa thuộc huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang rất tất bật chăm sóc bưởi để có hàng đẹp cung ứng cho thị trường Tết.
Ông Nguyễn Văn Đực, nông dân trồng bưởi ở xã Long Khánh, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, nhà ông có 25 cây bưởi da xanh, đang được chăm sóc rất cẩn thận, hiện đã được gần 1kg/trái. Hy vọng năm nay giá bưởi da xanh cao, thì nhà ông có được cái Tết đầy đủ.
Còn ông Thái Văn Đua, Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi da xanh ấp Phú Hòa, xã Long Khánh cho biết, đến thời điểm này 20ha của 40 hộ trồng bưởi thuộc tổ đã xử lý hết. Hiện nay, các tổ viên đang tất bật chăm sóc để có trái to, đẹp bán được giá trong dịp Tết. Dự kiến, sản lượng bưởi da xanh bán Tết năm nay của tổ không dưới 100 tấn.
Còn với trái thanh long, nhà vườn cũng đang chuẩn bị mọi kĩ lưỡng những chậu thanh long cảnh để bán Tết. Còn các loại cây ăn trái khác như vú sữa, xoài… cũng đang hứa hẹn được mùa vào dịp Tết.
Thành Công/ Báo Đại Đoàn Kết