EMS tạo cơ hội cho tôm nước lạnh trên thị trường Mỹ
Giá tăng cùng với nguồn cung tôm nước ấm khan hiếm đang tạo cơ hội tốt cho tôm nước lạnh giành lại thị phần trên thị trường Mỹ.
Tại diễn đàn Tôm nước lạnh Quốc tế diễn ra tại London hôm 21/11 vừa qua, John Sackton từ Seafood.com cho rằng giá tôm liên tục tăng do ảnh hưởng của EMS khiến lượng cung từ Châu Á thiếu hụt sẽ cho phép tôm nước lạnh khai thác tự nhiên giành lại thị phần trên thị trường này nếu như thật sự mang đến sự khác biệt. Sự khác biệt có thể là được khai thác tự nhiên, và được cam kết về chất lượng vượt trội. Cùng với những đặc điểm khác biệt, thị trường Mỹ sẽ bắt đầu cân nhắc lựa chọn giữa tôm nước ấm và tôm nước lạnh.
Theo dự báo, Mùa chay 2014 (thời gian ăn chay của người Thiên chúa giáo từ 5/3/2013 đến 19/4/2013) là thời điểm người tiêu dùng thật sự phải sử dụng tôm nước ấm giá cao. Từ trước tới nay, chênh lệch về giá khiến tôm nước lạnh không thể trở thành sản phẩm thay thế tôm nước ấm. Tuy nhiên, mùa chay năm tới, các sản phẩm thủy sản có giá rẻ hơn sẽ được tiêu thụ mạnh hơn.
Doanh số bán lẻ tôm nước ấm tại Mỹ liên tục tăng và mặc dù giá tôm nước ấm nói chung đã tăng mạnh nhưng các nhà bán lẻ chỉ dám tăng nhẹ giá bán bởi họ lo ngại kinh doanh thua lỗ vào mùa tiêu thụ cuối năm.
Người tiêu dùng có lựa chọn tôm nước lạnh hay không còn phụ thuộc nhiều vào giá bán mà các nhà XK đưa ra. Một thực tế cho thấy XK tôm Canada XK sang Đan Mạch để chế biến và phân phối cho thị trường EU ngày càng tăng. Trong khi đó, XK sang Mỹ giảm từ 27% năm 2009 xuống còn 16%.
Giá tôm nước ấm cao và nguồn cung khan hiếm sẽ tạo điều kiện cho các công ty cung cấp tôm nước lạnh giành lại thị phần nếu họ chấp nhận đầu tư.
Ngoài việc quảng bá và tiếp thị hình ảnh tôm khai thác tự nhiên với chứng nhận MSC như ngành khai thác tôm bờ Tây nước Mỹ đã có được, công nghệ lột vỏ, cấp đông và đóng gói tốt hơn sẽ mang đến cho tôm nước lạnh khai thác tự nhiên thêm lợi thế so với các sản phẩm tôm khác.
Ngành khai thác tôm bờ Tây nước Mỹ lâm vào khó khăn từ những năm 2000 khi tôm nước ấm bắt đầu được NK nhiều vào Mỹ. Thực tế là nguồn cung tôm nước lạnh giảm từ cuối những năm 80 khiến các nhà phân phối phải sử dụng tôm Châu Á thay thế và với giá hợp lý cùng với nguồn cung dồi dào, tôm nước ấm đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Trong khi sản lượng khai thác tôm tại nhiều ngư trường đều giảm sút thì sản lượng tôm khai thác của bờ Tây nước Mỹ vẫn tăng. Tuy nhiên, điều bận tâm nhất đối với ngành tôm này lại các nguồn cung khác có thể vào thị trường Mỹ và cạnh tranh với họ như thế nào.
Ấn Độ đã đẩy mạnh XK sang Mỹ tuy nhiên tương lai của họ vẫn phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh và quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi. Ngoài ra, nước này cũng có một số vấn đề với tôm giống. Ecuador cũng là nước cung cấp tận dụng được cơ hội nguồn cung Thái Lan giảm mặc dù Trung Quốc, hiện là nước NK ròng cũng có nhu cầu lớn đối với tôm Ecuador.
Nguyễn Bích (Theo Undercurrentnews/ vasep)