Nghệ nhân cuối cùng làm đồ chơi Trung thu

Nghệ nhân cuối cùng làm đồ chơi Trung thu

Cách trung tâm Hà Nội chừng 15 km, người nghệ nhân cuối cùng ở làng Hậu Ái vẫn miệt mài, tỉ mỉ dán từng chiến đèn ông sao mỗi dịp trung thu.

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 15 km, cứ mỗi dịp trung thu hàng năm, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức) lại rộn ràng chuẩn bị đồ chơi. Cả phòng khách, sân nhà chất đầy các món đồ chơi như đèn ông sao, tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng…

Từng là ngôi làng nổi tiếng về làm đồ chơi trung thu, song hiện Hậu Ái chỉ còn mỗi chị Tuyến là người duy nhất còn theo nghề. Đồ chơi Trung thu của chị được khách hàng ưa thích bởi chúng luôn được cải tiến về mẫu mã để sinh động và hấp dẫn hơn nhưng kết cấu vẫn phải giữ nguyên theo lối cổ. Ngoài những loại đèn cổ truyền chị còn sáng tạo thêm các loại đèn mới như đèn con hươu, con cá, con tôm…

Vừa làm luôn tay, chị vừa kể về sự tích của những loại đồ chơi: “Đèn con thỏ là dựa vào tích truyện Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8”; “đèn ông sao vừa là biểu tượng cho ngôi sao vàng năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam”. Theo chị Tuyến, để có một chiếc đèn ông sao làm đúng theo lối cổ phải qua nhiều công đoạn, từ chọn nứa cho đến cắt, dán. Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn. Chọn nứa xong, phải chặt thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt…

Chị Tuyến đang vẽ mặt cho ông đánh gậy sau khi đã nung từ đất sét và nhuộm màu. Dụng cụ đơn sơ, công việc đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn của người thợ.

Mỗi động tác hay sự sắp xếp dù nhỏ đều thể hiện sự tinh tế của người nghệ nhân.

Ông đánh gậy trông trăng là món đồ chơi ít thấy. Khi kết hợp hai ông đánh gậy với một ông tiến sĩ sẽ thành một bộ hoàn chỉnh tượng trưng cho “quan” và “lính”.

Dù chỉ là đồ chơi cho con trẻ nhưng tiến sĩ giấy cũng được phân thành “cấp bậc”. Bộ to được gọi là “Ông nghè” còn bộ nhỏ chỉ được gọi là “Tiến sĩ”; những “ông” mặc áo màu đỏ sẽ có tước vị cao hơn những ông mặc áo xanh. Món đồ chơi thể hiện ước vọng con em sẽ học giỏi, đỗ đạt cao.

Là người thứ theo nghề truyền thống nhiều đời của gia đình, thu nhập cũng không đáng kể, song nghệ nhân này cho biết, nhìn thấy niềm vui và sự háo hức tìm hiểu ý nghĩa từng món đồ chơi của bọn trẻ chị lại có thêm động lực để đeo đuổi nghề.

Đứa cháu ngoại thứ hai của chị Tuyến nằm chơi bên cạnh chồng đèn ông sao đã chuẩn bị cho dịp Tết thiếu nhi. Nhiều năm nay, chị được Bảo tàng Dân tộc học đặt hàng và mời hướng dẫn cho trẻ em làm các loại đồ chơi truyền thống. “Có lẽ do thiếu người hướng dẫn, bố mẹ cũng không kể về các sự tích, ý nghĩa gắn đồ chơi ấy nên trẻ con mới quay sang đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi ngoại. Nhiều em được tôi chỉ cho cách tự làm đèn ông sao rất thích thú với món đồ mình làm ra”, chị Tuyến tâm sự.

(Nguồn vnexpress – Nguyễn Hưng)