Làng bách nghệ phủ Quốc

Làng bách nghệ phủ Quốc

Từ Đại lộ Thăng Long, đi gần một kilômét, qua động Hoàng Xá, một điểm du lịch nổi tiếng ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai (xưa là phủ Quốc) chúng tôi đã có mặt tại thôn Du Nghệ. Đây là thôn mà người dân trong vùng vẫn gọi là thôn “bách nghệ” – trăm nghề.

Mặc dù trên 50% đất nông nghiệp của thôn đã được thu hồi phục vụ phát triển giao thông, đô thị, công nghiệp nhưng đời sống của người dân nơi đây vẫn tương đối phong lưu, bởi nhà nhà, người người đều có nghề truyền thống mưu sinh.

Các cụ cao niên trong làng kể: Thôn Du Nghệ trước đây có tên là Do Nha – một trong 5 làng cũ hình thành nên thị trấn Quốc Oai bây giờ. Nằm dọc tỉnh lộ 419 (từ Hà Đông đi Sơn Tây) và tuyến đường liên huyện từ thị trấn Quốc Oai đi huyện Phúc Thọ, nên ngoài sản xuất nông nghiệp, từ xa xưa dân trong làng đã giỏi làm nghề phụ và buôn bán. Giao thông thuận tiện, thương mại phát triển nên người dân nơi đây rất biết giao tiếp, chịu khó học hỏi, du nhập nhiều nghề mới về địa phương, đem lại cuộc sống sung túc cho nhân dân. Cũng bởi làng có nhiều nghề mới được du nhập về nên tên làng Do Nha được đổi tên thành Du Nghệ. Chính tên làng đã nói lên tính chất hướng nghiệp của người dân nơi đây. Ngày nay, người dân Du Nghệ vẫn phát huy tốt truyền thống kinh doanh, buôn bán, nghề truyền thống của cha ông.

Trưởng thôn Du Nghệ Trần Văn Thắng cho biết, ở Du Nghệ nhà nào cũng có nghề phụ, mỗi nhà một nghề nên không có lao động nào thất nghiệp. Nhà thì làm bánh chưng, nhà thì nổ bỏng, nhà thì đi buôn cau, trầu, buôn đồ cổ, đồ gỗ, bát đũa, đan lát, may mặc, kinh doanh, dịch vụ… Tuy nhiên, nhóm nghề chính ở đây vẫn là kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, tại chợ Phủ – chợ trung tâm của huyện Quốc Oai (đặt ngay tại thị trấn Quốc Oai), có tới 50% số tiểu thương là người dân Du Nghệ. Ngoài kinh doanh tại chợ Phủ, tiểu thương Du Nghệ còn buôn bán tại nhiều chợ trong huyện như chợ Bương, chợ Gốt, chợ Bụa, chợ Đô Hội và nhiều chợ khác trong vùng. “Những công dân ở Du Nghệ có trên 40 năm buôn bán tại các chợ đếm không xuể. Nay tuổi cao, sức yếu, các bà, các cụ lại truyền nghề buôn bán cho con cháu” – ông Thắng cho biết.

Cụ Vũ Thị Tuyết, một trong những người Du Nghệ có thâm niên cao trong nghề làm bánh chưng, cho biết, từ năm lên 12 tuổi, cụ đã cùng mẹ làm bánh chưng, bánh dày đem đi chợ Gốt, chợ Bụa bán. So với các nghề khác, nghề làm bánh chưng, bánh dày vất vả hơn. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng đi bán hàng, chiều về lăn vào rửa lá, ngâm gạo, đậu, gói bánh, đêm đến lại phải luộc bánh để sáng ra còn kịp đem ra chợ bán. Tuy nhiên, nghề này cho thu nhập khá nên thu hút nhiều hộ trong làng tham gia. Nhờ có nghề mà cụ Tuyết đã nuôi 8 người con ăn học nên người. Dù tuổi cao, không làm nghề nữa nhưng trò chuyện với cụ Tuyết, chúng tôi hiểu cụ vẫn rất yêu nghề truyền thống của gia đình, quê hương.

Mặt trời đã đứng bóng nhưng không khí làm việc tại cơ sở sản xuất bỏng ngô của gia đình bà Phùng Thị Lý, xóm Đồng Hương vẫn nhộn nhịp. Người thì quay quả nổ, người sấy bỏng, người sàng, sảy, người thì đóng gói để kịp giao cho khách. Bà Lý cho biết, gia đình bà làm nghề này từ lâu nhưng cách đây 5-6 năm, đất nông nghiệp bị thu hồi, để giải quyết việc làm cho lao động gia đình, vợ chồng bà quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, từ việc chỉ nổ bỏng thông thường, nay gia đình bà vừa nổ vừa sấy bỏng cung cấp cho thị trường. Hiện tại mỗi ngày cơ sở sản xuất này nổ khoảng 4 tạ ngô hạt. Từ nghề nổ bỏng, mỗi tháng gia đình bà cũng để ra được 10 triệu đồng.

Ngoài những nghề phụ truyền thống đã và đang đem lại cuộc sống no đủ cho người dân địa phương, xưa kia, Du Nghệ còn có nghề trồng trầu không – một nghề truyền thống, độc đáo của xã Hoàng Xá cũ. Vào những năm cao điểm, diện tích trầu không của thôn lên tới trên chục hécta. Tất cả các cánh đồng như Cây Táo, Mồ Voi, Cửa Tiền đều phủ kín trầu không. Hàng hóa sản xuất ra đủ cung cấp cho thị trường Hà Nội và các vùng xung quanh. Cùng với các nghề, nghề trồng trầu không một thời đem lại thu nhập khá cho bao người dân Du Nghệ. Tuy từ năm 1970 trở lại đây, nghề trồng trầu không dần mai một nhưng nay trên địa bàn thôn vẫn còn vài chục hộ trồng trầu không tại gia đình.

Năng động trong phát triển kinh tế nên bộ mặt nông thôn Du Nghệ ngày càng đổi thay. Thôn có trên 800 hộ nhưng hiện chỉ còn 52 hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới. Rời thôn Du Nghệ, chúng tôi mong rằng mảnh đất “bách nghệ” này ngày càng phát triển, người dân tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng làng ngày càng giàu đẹp.

(nguồnbaomoi)