Tranh thêu 3D – một sáng tạo mới của nghệ thuật thêu tay Đà Lạt

Tranh thêu 3D – một sáng tạo mới của nghệ thuật thêu tay Đà Lạt

Công nghệ 3D luôn được xem là công nghệ điển hình của thời đại kỹ thuật số. Nhưng ít ai ngờ rằng, nó lại có thể “chung sống” với một loại hình nghệ thuật truyền thống như nghề thêu.

Nghề thêu truyền thống là một nét đẹp truyền gắn liền với “công – ngôn – dung – hạnh” của người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh các mẹ, chị và các thiếu nữ ngồi bên khung thêu vừa dịu dàng vừa nữ tính đã trở thành một biểu tượng đẹp của người phụ nữ. Ngày nay, nghệ thuật thêu đã phát triển đa dạng và phong phú hơn, đang dần khẳng định được thương hiệu của mình. Có một loại hình nghệ thuật thêu thủ công mới đã và đang chinh phục được nhiều khách hàng bởi tính chất hiện đại, sự cầu kỳ và tinh xảo của mình đó chính là tranh thêu 3D.

Khác với những cách thêu truyền thống thường chỉ thêu một lớp và các đường thêu chỉ tạo ra một cái nhìn một chiều trực diện, tranh thêu 3D với nhiều lớp chỉ thêu chồng lên nhau tạo nên hiệu ứng giống hệt như thật cho người xem. Tranh thêu 3D có các chi tiết cũng được làm nổi trên mặt vải, tạo nên hiệu ứng 3 chiều kỳ diệu trên một mặt phẳng, cảnh xa thì sâu hun hút, cảnh gần thì như bay ra khỏi bề mặt tranh. Tác phẩm trông sẽ giống như thật nhờ sự phản quang ánh sáng, cách phối màu chỉ sáng tối khác nhau. Người xem tranh như nhìn qua ô cửa sổ với không gian không bị giới hạn ở bên ngoài, và khi bước qua ô cửa sổ đó sẽ như chính mình du ngoạn trong mỗi bức tranh.

Chị Nguyễn Thị Hữu Hạnh – người đã sáng tạo ra dòng tranh thêu tay 3D này tâm sự, để làm chủ được kỹ thuật thêu 3D này, người thợ không chỉ phải giỏi trong việc tạo hình khối mà còn phải chú ý đến kỹ thuật phối màu chỉ thêu để cho tranh sống động như thật. Chính vì vậy mà thời gian thêu một bức tranh 3D kéo dài gấp 3 lần so với thêu bình thường. Muốn có được hiệu ứng nhiều chiều cho người xem, người thợ phải thêu nhiều các lớp chỉ khác nhau, tùy theo tông màu mà phối hợp để sao cho các họa tiết khi lên tranh có thể nổi hẳn lên trên nền tranh tạo cảm giác chân thật cho người xem. Cách lên khung cho tranh cũng có sự khác biệt: Khung tranh 3D cao hơn tranh thông thường từ 5 – 7 cm để có khoảng không gian thích hợp cho những phần nổi của tranh. Chiêm ngưỡng những bức tranh thêu 3D về thiên nhiên như mâm ngũ quả rực rỡ sắc màu, những bông hoa còn ướt đẫm sương sớm hay cửu long tranh châu mô tả chín con rồng tranh nhau viên ngọc với sự tưởng tượng phong phú của nghệ thuật tạo hình đặc sắc, sống động như thật mới thấy hết được những giá trị thầm mỹ của dòng tranh thêu mới này.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh đang thực hiện một bức thêu

Đến với xưởng tranh của Nguyễn Thị Hữu Hạnh nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, người ta lập tức bị cuốn hút bởi những bức tranh thêu phong cảnh, chân dung…, đặc biệt là tranh tĩnh vật 3D có một chiều sâu khó tả. Mỗi một bức tranh ở đây là sự kết tinh của sự tài hoa khéo léo và sáng tạo của người thợ Đà Lạt.

Tranh thêu Đò xưa

Tranh thêu Mầm xuân

Một thoáng vấn vương

Để có được thương hiệu tranh 3D của riêng mình, hơn ai hết chị Hạnh đã phải có sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng trong những tháng ngày gian khó. Chị tâm sự “ Nghề làm tranh thêu cũng lắm công phu lắm. Mình cũng tốn không ít công sức để học hỏi và phát triển cái nghề truyền thống của cha ông này. Đôi khi nghĩ là một chuyện nhưng làm lại là một chuyện khác. Lần đầu tiên thử nghiệm làm tranh thêu 3D mình mất hàng tháng trời để mày mò nghiên cứu. Bức tranh 3D đầu tiên tuy đơn giản nhưng nó là cả một hành trình dài”. Hiện nay, chị Hạnh cũng với những người thợ của mình đang tìm tòi, sáng tạo thêm các mẫu tranh 3D mới, không chỉ bó hẹp trong thêu tĩnh vật để phát triển hơn nữa thị trường tranh thêu 3D. Hi vọng trong tương lai không xa, dòng tranh thêu tay độc đáo này sẽ phong phú hơn nữa về mặt mẫu mã, góp phần làm giàu có thêm thương hiệu tranh thêu Việt Nam.

 

(Nguồn Internet)