Xa vắng tiếng lộc cộc nơi “kinh đô guốc mộc”
Mấy chục năm trước, làng Yên Xá từng được ví như “kinh đô” của nghề guốc, nơi cung cấp một lượng lớn guốc mộc cho Hà Nội và khắp các tỉnh phía Bắc. Vậy nhưng, về Yên Xá bây giờ, không khỏi nuối tiếc khi nghề làm guốc từng làm rạng danh cho cả làng thuở nào hầu như đã rơi vào quên lãng.
Làng lên phố, guốc không còn
Những năm 50, 60 của thế kỉ trước, guốc mộc sản xuất ở làng Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội) được bán ở khắp đất Bắc. Thuở ấy, hình ảnh đôi guốc mộc kết hợp với tà áo dài duyên dáng là nét đẹp thanh lịch của thiếu nữ Hà thành.
Ông Đức miệt mài tạo hình guốc mộc bằng dụng cụ thủ công
Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng, thời xưa, chỉ những người quyền quý, có điều kiện trong xã hội mới đi guốc, còn dân đen thì đi chân đất. Nghề làm guốc đã có ở làng Yên Xá từ lâu nhưng khoảng giữa thế kỉ trước thì trở thành thương hiệu riêng biệt của Yên Xá. Khi ấy, hầu như cả làng làm guốc, đi đâu cũng nghe thấy tiếng đục, tiếng đẽo do guốc chủ yếu được làm bằng tay chứ chưa được gia công bằng máy như hiện nay.
Đến Yên Xá bây giờ, hỏi giới trẻ về nghề truyền thống của làng, đa phần đều lắc đầu tỏ vẻ xa lạ. Cũng phải! Đa phần trong số họ thậm chí còn chưa từng xỏ chân vào đôi guốc mộc bao giờ. Yên Xá bây giờ đã lên phố, đường đã có tên, nhà nào nhà nấy gắn biển số nhà đàng hoàng. Nhà cao tầng dần mọc lên lấn hết đồng ruộng. Yên Xá trở thành đất nhập cư của người dân các nơi đến trọ học, trọ đi làm… Những hộ gia đình xưa kia sống bằng nghề làm guốc thì nay chuyển qua xây nhà trọ cho thuê với mức lợi nhuận cao hơn.
Trò chuyện với một bác bán nước bên đường vào làng, tôi được biết Yên Xá chỉ còn nhà ông Trương Công Đức là giữ nghề làm guốc. “Trước kia, cả làng có tới 80% người làm nghề. Hàng làm ra chẳng đủ bán”, bác nói. Theo sự chỉ dẫn của bác, tôi tìm đến nhà nghệ nhân Trương Công Đức, một trong ít hộ gia đình còn nối nghiệp làm guốc. Ông Đức sinh năm 1962 nhưng nhà cũng đã có ba thế hệ theo nghề làm guốc. “Nghề làm guốc thấm vào máu, bao giờ còn làm được thì tôi vẫn sẽ giữ nghề”, ông Đức chia sẻ.
Nói là vậy nhưng thực ra trong gia đình chỉ còn mỗi ông Đức giữ nghề. Không biết rằng ông còn có thể giữ nghề này trong bao lâu, khi những người con ông chẳng ai còn mặn mà với nó. Thông thường, một đôi guốc mộc thô có giá 17.000 đồng/đôi, trong đó chi phí để mua gỗ xoan, đinh, quai và tiền điện máy làm guốc đã lên đến 14.000 đồng. Trong khi đó, guốc thời trang có giá 95.000 đồng/đôi. Ông Đức chia sẻ thật lòng, làm guốc mộc chẳng lời lãi là bao, không đủ trang trải cho cuộc sống nên mọi người đều phải chuyển sang làm nghề khác hoặc kinh doanh, xây nhà trọ cho thuê.
Trăn trở với nghề
Vì tâm huyết nên dù khó khăn, ông Đức vẫn quyết tâm giữ nghề. Những món đồ nghề của ông đã ngả màu thời gian được cất kĩ trong kho, chỉ khi có khách đến ông mới mang ra “khoe” như một cách ôn lại kỉ niệm. Giờ ông Đức làm guốc bằng máy, vừa nhanh vừa đỡ tốn sức và năng suất cao hơn.
Phố Hàng Dầu (Hà Nội) bán đủ loại guốc thời trang. Guốc mộc vắng bóng.
Ông Đức chia sẻ, để làm đôi guốc mộc phải mất rất nhiều công đoạn. Từ cây gỗ, người thợ cưa khúc, bổ khổ, sau đó cho vào máy xẻ, tiếp đến là công đoạn mài thô. Sau khi mài thô, hình dạng của chiếc guốc đã được định hình. Người thợ tiếp tục mài bóng, mài nhẵn. Công đoạn cuối cùng là đóng đế và quai. “Làm guốc quan trọng là phải khéo tay và có con mắt tinh tế. Phải làm lần lượt từng công đoạn vì chỉ cần sai sót một chút là hỏng luôn đôi guốc”, ông Đức nói.
Ngày xưa, rất dễ phân biệt guốc dành cho nam và guốc dành cho nữ bởi nó đã có mẫu sẵn, kiểu dáng không nhiều. Guốc nam được gọi là guốc á đại, guốc nữ gọi là vẹo dép. Tuy vậy, ngày nay ít người còn đi guốc cổ kiểu này mà thường đi những loại guốc kiểu cách tân, hiện đại. Guốc cổ truyền chỉ được bán với số lượng rất ít ở các chợ hoặc bán cho những đoàn làm phim, những người muốn dùng guốc để trưng bày…
Để bán được hàng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng hiện nay, ông Đức phải xoay sở bằng nhiều cách. Ông nhận đóng dép xốp cho các thương lái Trung Quốc đặt hàng. Mặt khác, những đôi guốc của ông Đức bây giờ không còn “mộc” như xưa mà được cách tân. Ông Đức cất công đem guốc đến làng sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) để làm bóng, phủ sơn, khảm trai rất bắt mắt hoặc gắn thêm các họa tiết trang trí. Nhờ vậy mà guốc dễ bán hơn. Nhưng cũng vì thế mà guốc mộc ngày càng vắng bóng trên thị trường, thay thế bởi guốc thời trang nhiều màu sắc.
Hình ảnh đôi guốc mộc và tiếng kêu lộc cộc văng vẳng trên đường xa có lẽ vẫn còn miên man trong kí ức của nhiều người dân Việt Nam từ thành thị đến nông thôn. Đó là một nét duyên mộc mạc, giản dị, một nét văn hóa vật chất mang đậm tâm hồn Việt. Guốc mộc kết hợp với nón lá, áo dài trở thành hình ảnh biểu trưng của con người Việt Nam hiền hòa, đôn hậu. Nguy cơ mai một của làng nghề đã hiện hữu ngay “kinh đô” guốc mộc một thời. Đôi guốc mộc cũng dần trở nên xa lạ với giới trẻ ngày nay nhưng âm thanh độc đáo của những đôi guốc có lẽ vẫn sẽ in đậm trong tâm trí của nhiều người.
Theo: tintuc